- Giỏ hàng chưa có sản phẩm
Nghị định số 128/2020/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan ký ngày 19/10/2020 (có hiệu lực từ ngày 10/12/2020) được Chính phủ ban hành với nhiều quy định mới đáng chú ý. Nghị định này thay thế các Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực Hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 127/2013/NĐ-CP.
Đầu tiên, một nội dung đáng chú ý là chỉ còn 4 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, nếu như khoản 2 Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP quy định có tới 7 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 10/12/2020, số trường hợp này giảm xuống còn 4. Cụ thể, 4 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan gồm:
· Một là các trường hợp không xử phạt theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thông báo với cơ quan Hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa, phương tiện vận tải đó phải được đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi các yếu tố nêu trên được khắc phục.
· Hai là các trường hợp được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014 không bị xử phạt vi phạm hành chính.
· Ba là các trường hợp người khai hải quan thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý thuế.
· Bốn là trường hợp hàng hóa gửi vào Việt Nam không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại Điều 39 Luật Thương mại năm 2005 (trừ hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng giả, phế liệu không thuộc Danh mục được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất) nhưng đã được người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng thông báo bằng văn bản (nêu rõ lý do) kèm theo các chứng từ liên quan tới Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa khi chưa đăng ký tờ khai hải quan.
Nghị định 128/2020/NĐ-CP cũng có nhiều quy định mới về hành vi vi phạm, đảm bảo phù hợp với thực tiễn về khung phạt tiền, hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Chẳng hạn, đối với vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế, Nghị định quy định phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tái xuất hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất đúng thời hạn quy định; lưu giữ hàng hóa quá cảnh, hàng hóa trung chuyển trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quá thời hạn quy định; khai báo và làm thủ tục sau khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế, hàng áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan nhưng trước thời điểm quyết định kiểm tra, thanh tra.
Đối với hành vi không tái xuất phương tiện vận tải tạm nhập là ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi (được xác định căn cứ giấy đăng ký lưu hành phương tiện hoặc thực tế kiểm tra phương tiện) đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp xử phạt theo điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất dưới 30 ngày; phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất từ 30 ngày trở lên…
Về vi phạm về khai hải quan, tại khoản 1c điều 8 Nghị định có quy định: phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không khai trên tờ khai hải quan mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán. Đây là điểm thường được cơ quan hải quan chú ý khi kiểm tra trị giá khai báo của hàng hóa nhập khẩu.
Tại khoản 5 điều 11, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan; không cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh cho cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định về việc bán hàng hóa có nguồn gốc hợp pháp tại cửa hàng miễn thuế mà không dán tem “Vietnam duty not paid” theo quy định tại khoản 6 điều 11 bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 10 triệu đồng; phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 10 – 20 triệu đồng; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 20 – 30 triệu đồng; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 30 – 50 triệu đồng; phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 50 triệu đồng trở lên…
Đối với vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra, Nghị định quy định phạt tiền từ 8 – 12 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan Hải quan. Nghị định quy định phạt tiền từ 40 – 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo; sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan Hải quan mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng bất hợp pháp tài khoản đăng nhập, chữ ký số được cấp cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện thủ tục hải quan; truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan; bán tại cửa hàng miễn thuế loại hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa chưa được phép phổ biến, lưu hành tại Việt Nam theo quy định.
Tăng nặng mức phạt tiền lên từ 80.000.000 – 100.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất (trước đây phạt từ 30.000.000 – 60.000.000 đồng). Bên cạnh đó còn bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.
Ngoài bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.
Như vậy có thể thấy các mức phạt vi phạm hành chính trong Nghị định 128/2020/NĐ-CP nhìn chung đều được tăng lên so với mức phạt của Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP.
Bài viết liên quan