- Giỏ hàng chưa có sản phẩm
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Việt Nam, từ ngày 20-24/02/2023, IAEA đã tổ chức đợt đánh giá tình hình thực hiện các dự án hợp tác kỹ thuật (TC) giai đoạn 2022-2023 và hỗ trợ các cơ quan xây dựng thiết kế cho các dự án trong giai đoạn 2024-2025.
Đoàn chuyên gia IAEA gồm: ông Gashaw Gebeyehu Wolde, Trưởng Bộ phận hợp tác kỹ thuật khu vực châu Á - Thái Bình Dương 1, Vụ Hợp tác kỹ thuật, IAEA làm Trưởng doàn; bà Petra Salame, chuyên gia Quản lý dự án của một số quốc gia trong đó có Việt Nam.
Đoàn chuyên gia IAEA đã làm việc với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Viện: Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Viện Nghiên cứu hạt nhân), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Viện Môi trường nông nghiệp, Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương), Bộ Y tế (Bệnh viện K, Viện Dinh dưỡng quốc gia) và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Tại buổi làm việc với các đơn vị trong lĩnh vực y tế, các đơn vị đánh giá cao sự hỗ trợ của IAEA để hỗ trợ tổ chức các đoàn chuyên gia, khóa đào tạo, thực tập ngắn hạn trong khuôn khổ dự án TC. Các đơn vị cũng chia sẻ những khó khăn về thủ tục phê duyệt dự án và tiếp nhận thiết bị từ phía Việt Nam, đồng thời đề nghị IAEA xem xét hỗ trợ biên soạn các tài liệu, chương trình đào tạo, hướng dẫn để áp dụng tại các bệnh viện và hỗ trợ trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Đoàn chuyên gia IAEA làm việc với Bệnh viện K.
Phía IAEA ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị, đồng thời cho biết hợp tác giữa IAEA và các bệnh viện tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong nhiều năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị ung thư. Lĩnh vực y tế là một trong những trọng tâm hợp tác và IAEA sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam để đạt được những kết quả tích cực. Nhân dịp này, Đoàn chuyên gia IAEA đã giới thiệu Sáng kiến Những tia hy vọng (Rays of Hope) để hỗ trợ các quốc gia cải thiện khả năng tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị và mong muốn Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tích cực tham gia Sáng kiến này.
Đoàn chuyên gia IAEA làm việc với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Làm việc với các cơ quan trong lĩnh vực nông nghiệp, IAEA đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương với IAEA. Sự hỗ trợ của IAEA về cơ sở vật chất, kiến thức và kỹ thuật chẩn đoán bệnh đã góp phần nâng cao năng lực cho Trung tâm trong công tác chẩn đoán xét nghiệm và nghiên cứu về bệnh động vật, đặc biệt trong việc ứng phó với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tả lợn, cúm gia cầm, tai xanh, viêm da nổi cục ở trâu bò,... Trung tâm là đơn vị đầu tiên phát hiện dịch bệnh và có những nghiên cứu chuyên sâu về bệnh và căn bệnh, từ đó tham mưu có hiệu quả với Cục Thú y và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Đoàn chuyên gia cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực của Trung tâm vào sáng kiến Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền qua động vật (ZODIAC) và mong muốn các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nước láng giếng Lào và Campuchia trong về các lĩnh vực thú y, chọn tạo giống cây trồng, ...
Đoàn chuyên gia IAEA tham quan thiết bị tại phòng thí nghiệm do IAEA đài thọ của Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương.
Đoàn chuyên gia IAEA thăm ruộng thí nghiệm.của Viện Môi trường nông nghiệp.
Làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Đoàn chuyên gia IAEA khẳng định hiệu quả của các dự án TC trong giai đoạn qua trong các lĩnh vực bảo đảm an toàn lò phản ứng, nâng cao năng lực quản lý pháp quy trong an toàn, an ninh và ứng phó sự cố. Bên cạnh đó, các cơ quan của Bộ KH&CN đã tích cực tham gia triển khai Thỏa thuận hợp tác ba bên Việt Nam – IAEA – Lào/Campuchia thông qua việc tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo về kiểm tra không phá hủy (NDT), ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, thanh tra an toàn bức xạ và hạt nhân.
Đoàn IAEA làm việc với Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Đoàn IAEA làm việc với Viện nghiên cứu hạt nhân, Đà Lạt.
Đoàn chuyên gia IAEA mong muốn sẽ có nhiều cơ quan liên quan của Việt Nam ngoài Khoa học và Công nghệ tham gia hoạt động trong khuôn khổ Thỏa thuận. Đề cập đến vai trò Chủ tịch RCA mà Việt Nam đã đảm nhiệm trong năm 2022, IAEA đánh giá cao đóng góp của Việt Nam và mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt, đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định.
Kết thúc đợt làm việc, Đoàn chuyên gia IAEA đã đồng ý với đề xuất kéo dài thực hiện dự án cho Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương trên cơ sở những đóng góp kinh tế - xã hội mà dự án đã mang lại, đồng thời đề nghị phía Việt Nam rà soát kinh phí và gửi đề xuất triển khai các hoạt động của các dự án TC năm 2023 để IAEA kịp thời xem xét phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Trong đợt làm việc lần này, Đoàn cũng đã tư vấn, hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện thiết kế chi tiết dự án TC giai đoạn 2024-2025 để đệ trình IAEA xem xét, phê duyệt vào cuối năm nay.
Bài viết liên quan