- Giỏ hàng chưa có sản phẩm
Chiều ngày 31/01/2023 (theo giờ Việt Nam), bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử đã tham dự Diễn đàn Khoa học và công nghệ hạt nhân phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc theo hình thức trực tuyến.
Diễn đàn là sự kiện thuộc khuôn khổ Triển lãm Giáo dục khoa học và công nghệ hạt nhân do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức từ ngày 24/01 đến ngày 10/02/2023 nhằm chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm và thiết lập mạng lưới hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa các quốc gia thuộc Liên hợp quốc với các đối tác thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA. Bà Trần Bích Ngọc đã được mời là diễn giả chia sẻ về các thành tựu ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thông tin về Triển lãm Giáo dục khoa học và công nghệ hạt nhân
Trong bài trình bày của mình, bà Trần Bích Ngọc cho biết tại Việt Nam, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được ban hành tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ 17 mục tiêu chung phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 với 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu được thông qua tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc vào tháng 9/2015. Kế hoạch hành động thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam.
Bà Trần Bích Ngọc chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn
Trong những năm qua, ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân đã đóng góp tích cực để giải quyết các vấn đề phát triển bền vững trong các lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam như nông nghiệp, y tế, công nghiệp, môi trường, v.v.. Thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật với IAEA, Việt Nam đã phát triển năng lực về khoa học và công nghệ hạt nhân, bảo đảm an toàn, an ninh và phát triển kinh tế xã hội. Với những kết quả đã đạt được, Việt Nam có nhiều tiềm năng mở rộng ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Cũng tại sự kiện, các diễn giả khác đã chia sẻ kinh nghiệm về các sáng kiến IAEA đang triển khai, quản lý khoa học và công nghệ hạt nhân, ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân ở một số quốc gia thành viên của IAEA.
Bài viết liên quan